Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh - CIEMB 2022"

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh - CIEMB 2022"

Sáng nay (25/11/2022), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” lần thứ năm (Contemporary Issues in Economics, Management and Business - 5th CIEMB 2022). Đây là Hội thảo quốc tế thường niên lớn nhất mà Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 25 và 26/11, với 17 phiên thảo luận song song.

Quang cảnh tại Hội thảo CIEMB 2022

Tham dự hội thảo có các diễn giả chính là những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, bao gồm: GS. Robert Breunig - Đại học Quốc gia Úc; GS. Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP toàn cầu; GS. Alex Vanderstraeten - Đại học Ghent, Bỉ; PGS. Juthathip Jongwanich - Đại học Thammasat, Thái Lan. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh; các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, là một trường đại học danh tiếng, toàn diện và định hướng nghiên cứu, NEU đã và đang xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Hàng năm, Trường tổ chức nhiều hội thảo và hội nghị quốc tế, thu hút nhiều học giả, nhà nghiên cứu và học viên xuất sắc trên toàn thế giới. Các ý tưởng và kết quả được chia sẻ từ các công trình nghiên cứu đã phục vụ hiệu quả như một nền tảng để thúc đẩy trao đổi sâu hơn cũng như công việc tư vấn về hoạch định chính sách.

Chia sẻ về chủ đề của Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua những thách thức và khó khăn to lớn chưa từng có do đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cố gắng và Chính phủ cũng có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực doanh nghiệp bị bào mòn, trong khi đó sự hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự có hiệu quả và chưa nuôi dưỡng được nguồn lực cho doanh nghiệp.

GS. Phạm Hồng Chương dẫn chứng, tại nhiều nước trên thế giới, “gánh nặng” Covid-19 được Chính phủ san sẻ rất nhiều, họ chấp nhận tăng nợ công để hỗ trợ doanh nghiệp nên khi đại dịch qua đi, doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ. Còn tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn: từ nguồn vốn, thiếu niềm tin vào tương lai của sự phát triển... nhiều khó khăn dồn đến khi nguồn lực bị bào mòn trong bối cảnh "sức khoẻ" doanh nghiệp kiệt quệ. Với những khó khăn này, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần phải tháo gỡ nguồn vốn cho doanh nghiệp, cùng với đó cần phải có nghiên cứu đâu là trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và môi trường đầu tư... nhằm khôi phục niềm tin cộng đồng, xã hội đối với doanh nghiệp.

Với câu chuyện vốn của doanh nghiệp, GS. Phạm Hồng Chương cho rằng, có nhiều giải pháp về vốn, nhưng tại Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Vì vậy, đây có thể xem là vấn đề cấp bách, cần sớm giải quyết. “Việc nới room cần phải căn cứ tình hình cụ thể từng ngân hàng, có đánh giá thông tin chính sách vè tình hình tín dụng của từng ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nới room khó thực hiện được”.

GS. Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, CIEMB là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hội thảo là diễn đàn để các học giả, chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chia sẻ, trao đổi và trình bày về các công trình nghiên cứu, các chiến lược kích thích tăng trưởng và phát triển bền vững liên quan tới các vấn đề đương đại của Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh, hỗ trợ các chiến lược kích thích tăng trưởng và phát triển bền vững trên toàn thế giới.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Nhà trường và PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học trao chứng nhận cho các diễn giả chính

GS. Robert Breunig - Đại học Quốc gia Úc trình bày tham luận: "Covid-19 Fiscal Policy in Australia and lessons for Vietnam"

GS. Alex Vanderstraeten - Đại học Ghent, Bỉ trình bày tham luận "Human Resourse Management and Sustainability - A New Agenda for HRM in a Post-Pandemic Context"

Các chuyên gia trao đổi và thảo luận tại Hội thảo

GS. Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP toàn cầu trình bày tham luận "Institutional Bottlenecks in Growth and Development in Vietnam"

Dưới góc nhìn của chuyên gia quốc tế, GS. Jonathan Pincus – chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP toàn cầu đánh giá: Với độ mở lớn của nền kinh tế, Việt Nam đang chịu tác động không nhỏ từ sự suy thoái của của nền kinh tế thế giới. Dự báo trong năm tới, nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Đưa ra khuyến nghị, chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần có các giải pháp để tìm kiếm, hỗ trợ đa dạng hoá thị trường cho các doanh nghiêp, tránh tối đa những đứt gãy trong sản xuất.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng khuyến nghị, chính sách kinh tế của Việt Nam nên tập trung giải quyết tình hình trái phiếu doanh nghiệp vốn đang có nhiều thách thức. Cần phân loại những bên nào cần được thúc đẩy nguồn vốn từ ngân hàng, bên nào nên được phá sản hoặc sáp nhập là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam lúc này. Một số ngân hàng tăng lãi suất mạnh cũng có thể là một vấn đề. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng, dù sắp tới chậm lại nhưng vẫn sẽ tích cực. Và hy vọng áp lực lạm phát sẽ giảm vào năm 2023. Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh doanh để thu hút đầu tư có giá trị cao hơn. Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh các khu công nghiệp có thể là một hướng đi, sẽ giảm được tình trạng tắc nghẽn.

Thách thức chính khác mà Việt Nam phải giải quyết là giữ lạm phát dưới mức 4% như mục tiêu đề ra. Việt Nam đã cố gắng hạn chế việc tăng giá trong giai đoạn đầu của lạm phát gia tăng, tuy nhiên, áp lực lạm phát đã lan sang nhiều loại sản phẩm hơn, bao gồm cả thực phẩm và dịch vụ.

Các phiên thảo luận song song được tiến hành về các chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh

Dưới sự chủ trì của các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các diễn giả khách mời từ nước ngoài, 17 phiên thảo luận song song được tiến hành về các chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh...

Những nội dung trao đổi tại Hội thảo cung cấp nền tảng cho các cuộc tranh luận về các vấn đề đương đại, trong các lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế, quản trị và kinh doanh, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu; đồng thời gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế. 

PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường trao chứng nhận cho các tác giả có bài viết xuất sắc nhất

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hơn 130 bài nghiên cứu đã được gửi về. Hội thảo đã lựa chọn khoảng 80 bài để đăng trong Kỷ yếu hội thảo và mời đến trình bày các nhà nghiên cứu, học giả đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước, cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới như Anh, Úc, Bỉ, Ba Lan, Thái Lan, Pakistan, Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Pháp, Nam Phi, Lào...

PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu

Trước đó, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Nhà trường đã có buổi tiếp đón và trò chuyện thân mật cùng các diễn giả chính tham dự Hội thảo CIEMB 2022. GS.TS Phạm Hồng Chương cảm ơn các diễn giả đã dành thời gian tham dự và có bài tham luận chất lượng đóng góp cho sự thành công của Hội thảo. GS.TS Phạm Hồng Chương hi vọng các diễn giả sẽ có một Hội thảo thú vị và đáng nhớ tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Nhà trường chào đón các diễn giả tham dự CIEMB 2022

Các diễn giả tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Hội thảo:

Truyền hình TTXVN

Truyền hình Hà Nội

Truyền hình VTC10

Nhân dân: Nhận diện các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh hậu Covid-19

Thời báo tài chính: CIEMB 2022: Hội thảo khoa học về chính sách kinh tế, kinh doanh hậu Covid-19

Lao động: Chuyên gia UNDP chỉ ra thách thức của Việt Nam trong những thập kỷ tới

Công luận: Việt Nam đang thiếu các doanh nghiệp tư nhân lớn trong lĩnh vực chế tạo

Diễn đàn Doanh nghiệp: Việt Nam đối mặt với áp lực thực hiện cải cách trong thời gian tới

Vnbusiness: Các chuyên gia khuyến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi bền vững

Hải quan online: Chuyên gia quốc tế khuyến nghị hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường

Thời báo Ngân hàng: Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong thập kỷ mới

Quân đội Nhân dân: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về kinh tế, quản trị và kinh doanh

Thông tấn xã Việt Nam: Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về phát triển trong những thập kỷ tới

Tạp chí Thuế: Quy tụ nhiều diễn giả quốc tế thảo luận các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh

Báo ĐT ĐCSVN: Chia sẻ các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh

Pháp luật Việt Nam: Chuyên gia UNDP chỉ ra “điểm nghẽn” đầu tư công

Đại biểu Nhân dân: Các giáo sư, chuyên gia thế giới và Việt Nam bàn về “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh"

Tài chính Doanh nghiệp: Ba thách thức Việt Nam phải đối mặt trong quá trình phát triển

Trí tuệ mới: Việt Nam đang thiếu các doanh nghiệp tư nhân lớn trong lĩnh vực chế tạo