Trong hai ngày 23, 24/11/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Đại học Quốc gia Úc đồng tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ sáu với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” (Contemporary Issues in Economics, Management and Business - 6th CIEMB 2023). Đây là Hội thảo quốc tế thường niên lớn nhất mà Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Hội thảo thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế
Tham dự hội thảo có các diễn giả chính là những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, bao gồm: GS. Ippei Fujiwara - Đại học Quốc gia Úc; GS. Peter J. Morgan - Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á; GS. Roman Matousek - Đại học Queen Mary London, Anh. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng; GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học; GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo; PGS.TS Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh; các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ, từ năm 1956, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nỗ lực phát triển để đạt được thành tựu vượt bậc trong nghiên cứu về kinh tế, quản trị công, và quản trị kinh doanh, trở thành một trong các trường đại học hàng đầu của Việt Nam. Với truyền thống về nghiên cứu và chương trình giáo dục toàn diện, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân coi trọng hoạt động hợp tác học thuật và đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế, cùng với đó là các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Hàng năm, chuỗi các chương trình hội thảo và hội nghị quốc tế của nhà trường đã thu hút các học giả, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. “Những chương trình này đã đặt nền móng vững chắc để phát triển sự hợp tác toàn diện, tạo ra nhiều giá trị về nghiên cứu và ứng dụng trong chính sách. Chúng tôi tin vào khả năng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong việc đồng thời phát triển chức năng đào tạo của nhà trường và tìm ra những giải pháp thiết thực cho những thách thức trên thế giới”, GS.TS Phạm Hồng Chương cho hay.
GS. Phạm Hồng Chương khẳng định, CIEMB là một trong những sự kiện quốc tế nổi bật tại Trường Đại học Kinh Tế Quốc dân. Thông qua Hội thảo, nhà trường mong muốn xây dựng một diễn đàn để các học giả trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản trị trình bày và trao đổi những nghiên cứu của mình. Hội thảo mong muốn thúc đẩy thảo luận xoanh quanh các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý, và kinh doanh, cũng như tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững với quy mô toàn cầu.
Hội thảo quốc tế lần thứ sáu với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” đã nhận được hơn 150 bài nghiên cứu từ các học giải, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, và giảng viên tới từ Việt Nam và nhiêu quốc gia trên thế giới như Úc, Cộng hoà Séc, Canada, Pháp, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nam Phi, Vương quốc Anh. Thông qua đánh giá chặt chẽ về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu, hơn 80 bài báo đã được lựa chọn để trình bày trong 22 phiên thảo luận đồng thời ở đa dạng các lĩnh vực như kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh tế phát triển, kinh tế vĩ mô, marketing, khoa học công nghệ và kinh tế vi mô.
Giáo sư Hiệu trưởng hy vọng Hội thảo CIEMB lần thứ sáu sẽ là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách chia sẻ những phát kiến mới nhất và xây dựng đối thoại về các nghiên cứu đang trong quá trình hoàn thiện, cùng với đó “Từ những hiểu biết sâu rộng của các diễn giả và các nhà nghiên cứu, tôi tin rằng chúng ta sẽ có những kiến thức đầy đủ hơn trong các vấn đề đương đại về kinh tế, quản trị, và kinh doanh. Hội thảo lần này sẽ tiếp tục là minh chứng cho hoạt động hợp tác phát triển giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các trường đại học trên toàn thế giới”, GS. Phạm Hồng Chương khẳng định.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD trao chứng nhận và tặng hoa cảm ơn các diễn giả chính
GS. Ippei Fujiwara - Đại học Quốc gia Úc trình bày tham luận với chủ đề “Xây dựng mô hình kinh tế Việt Nam”
GS. Peter J. Morgan - Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á trình bày tham luận dưới hình thức trực tuyến với chủ đề “Fintech, tài chính toàn diện và nắm bắt kiến thức tài chính: Những điều chúng ta biết”
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng đã đưa ra một số dự báo, định lượng về tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong nền kinh tế cũng như khả năng tác động của kinh tế số đến năng suất cũng như tính cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cũng nhận thấy rằng kinh tế số tác động rất mạnh mẽ trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như năng suất lao động của các doanh nghiệp.
GS. Peter J. Morgan - Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ABDI), nhấn mạnh về việc fintech đang thay đổi nền tài chính theo những cách cơ bản, từ quản lý đầu tư đến huy động vốn cho đến chính hình thức tiền tệ. Công ty trong lĩnh vực fintech đã tháo dỡ các rào cản và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và thách thức sự hiểu biết truyền thống về cách thức hoạt động của tài chính.
Dưới góc nhìn quốc tế, GS Roman Matousek - Đại học Queen Mary, Vương quốc Anh cho biết: Kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn với việc sụt giảm tăng trưởng, thâm hụt tài chính, áp lực lạm phát và tăng lãi suất. "Điều này sẽ ảnh hưởng đến cân bằng kinh tế vĩ mô thậm chí có thể có sự xuất hiện của một "khoảnh khắc Minsky" (là sự kết thúc của một chu kỳ bùng nổ kinh tế từng khuyến khích các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro vượt mức, dẫn đến tình trạng cho vay vượt quá số tiền người đi vay có thể trả) ở nhiều nước châu Âu khi giá trị tài sản sụt giảm nhanh chóng do nợ doanh nghiệp và hộ gia đình không bền vững", GS Roman Matousek lưu ý.
Các chuyên gia cho rằng, sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì các thị trường mới nổi như Việt Nam cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, nhiều dấu hiệu suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của các quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia cũng khuyến nghị về tình trạng các doanh nghiệp "thây ma" - những doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ do sự thiếu hụt lợi nhuận và định giá trên thị trường ở mức thấp nhưng sống dựa vào các chính sách hỗ trợ, tín dụng giá rẻ. Thực tế đây cũng là vấn đề được không ít chuyên gia trong nước khuyến nghị, bởi lượng doanh nghiệp này tồn tại sẽ khiến chính sách hỗ trợ không đúng mục tiêu và phát huy hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế. Những doanh nghiệp này cũng ảnh hưởng đến nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng... không tạo động lực về đổi mới, sáng tạo, tăng năng lực cạnh tranh.
GS. Roman Matousek - Đại học Queen Mary (Đại học London, Vương quốc Anh) trình bày tham luận với chủ đề “Sự mong manh của tài chính sau đại dịch Covid-19: Bài học từ các nền kinh tế phát triển”
22 phiên thảo luận song song được tiến hành về các chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh
Chia sẻ bên lề Hội thảo, GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học cho biết: "Tại Hội thảo nhiều diễn giả, chuyên gia đã trao đổi và chia sẻ các nghiên cứu về kinh tế số và nhận thấy kinh tế số tác động rất mạnh mẽ đến tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như là năng suất lao động của các doanh nghiệp". Trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp các vấn đề suy giảm về tổng cầu và khả năng năm nay tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu, kinh tế số sẽ là một trong những vấn đề cần phải chú ý. Bởi kinh tế số cơ bản sẽ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến tổng cung của nền kinh tế, giúp tăng trưởng một cách bền vững. "Kinh tế số hiện nay là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khi các động lực tăng trưởng truyền thống trước đây đang dần cạn kiệt". Tuy nhiên, theo GS. Tô Trung Thành chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm, một số thành tố quan trọng của tổng cầu như đầu tư tiêu dùng, cán cân thương mại chưa đạt được tốc độ tăng trưởng mục tiêu. Vì vậy, thời gian còn lại của năm cần phải có những động thái để duy trì và tăng cường thêm tổng cầu.
GS.TS Tô Trung Thành cho rằng, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách tốt hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm thuế, hạ lãi suất, cải cách thủ tục hành chính... nhưng việc thực thi các chính sách ở các cấp chưa thật sự phát huy hết hiệu quả. Đưa ra các giải pháp để nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững, GS.TS Tô Trung Thành, cho rằng trong năm 2024 cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tăng tổng cầu, cần phải tập trung vào các chính sách trọng cung như cải thiện về mặt thể chế cũng như pháp lý, tạo môi trường tốt nhất cho các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đang suy giảm rất mạnh. "Thực tế hiện nay nhiều chính sách chưa hoàn toàn hướng về khu vực tư nhân, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khó tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai... Làm thế nào để tạo cho doanh nghiệp một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi nhất, đó mới giải pháp tích cực và lâu dài". Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh...
PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường và PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng trao chứng nhận cho các tác giả có bài viết xuất sắc nhất
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng phát biểu bế mạc Hội thảo
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả: TS. Phạm Hùng Hiệp - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Trao đổi kiến thức REK, Đại học Thành Đô; TS. Dương Hải Long - Giám đốc mảng Khoa học Dữ liệu, Công ty FuturProof Technologies, Hoa Kỳ; PGS.TS Bình Bùi - Đại học Macquarie, Úc cũng đã có những chia sẻ tại buổi thảo luận cấp cao với chủ đề: Kinh nghiệm và chiến lược trong việc đăng bài ở các tạp chí quốc tế uy tín.
Một số hình ảnh trong khuôn khổ Hội thảo:
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông
Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Hội thảo:
Truyền hình TTXVN: Kinh tế số động lực tăng trưởng dài hạn của Việt Nam
Thời báo tài chính: CIEMB 2023: Tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững
Vneconomy: Giữa bộn bề thách thức, động lực nào để Việt Nam vực dậy tăng trưởng?
Thời báo ngân hàng: Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh
Nhân dân: Động lực tăng trưởng từ phát triển kinh tế số
Đại biểu Nhân dân: Các nhà khoa học Việt Nam và Úc bàn về vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh
Chính phủ: Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng là chìa khóa phát triển bền vững
Pháp luật Việt Nam: Kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế
Thông tấn xã Việt Nam: Chia sẻ các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh
Giáo dục & Thời đại: Nhận diện các vấn đề đương đại trong kinh tế và quản trị kinh doanh
Quân đội Nhân dân: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học
Báo điện tử ĐCSVN: Kinh tế số có thể là động lực tăng trưởng mới quan trọng
Diễn đàn doanh nghiệp: Kinh tế số là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế
VOV: Nhận diện các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh
Hải quan: Tạo môi trường đầu tư – kinh doanh tốt nhất cho kinh tế tăng trưởng bền vững
Vnbusiness: Kinh tế số tác động mạnh đến năng suất lao động của các doanh nghiệp
Đầu tư Plus: Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng là chìa khóa phát triển bền vững
Tạp chí Tài chính: Kinh tế số có thể là động lực tăng trưởng mới quan trọng
Chất lượng và cuộc sống: Tạo môi trường đầu tư - kinh doanh tốt nhất cho kinh tế tăng trưởng bền vững
Thị trường Tài chính: Động lực nào để Việt Nam “vực dậy” tăng trưởng giữa bộn bề “thách thức”?
Tạp chí Thuế: Chuẩn bị diễn ra Hội thảo quốc tế “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh”